Sau tháng 7/2023: Tham gia BHYT 5 năm liên tục cần thêm điều này mới được hưởng đủ quyền lợi, người dân nên biết
Sau khi tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục người dân sẽ được hưởng nhiều quyền lợi đặc biệt, ai không biết sẽ dễ thiệt thòi.
Thay đổi điều kiện hưởng BHYT 5 năm liên tục từ ngày 01/7/2023
Hiện hành, theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP điều kiện hưởng BHYT 5 năm liên tục bao gồm:
- Có thời gian tham gia BHYT 05 năm liên tục trở lên;
- Có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.
Số tiền cùng chi trả/chi phí đồng chi trả là khoản tiền mà người bệnh có BHYT phải cùng chi trả với cơ quan BHXH theo tỷ lệ % được hưởng của loại thẻ BHYT.
Ví dụ: Thẻ BHYT có mức hưởng 80% thì người bệnh phải đồng chi trả 20% trong tổng chi phí thuộc phạm vi thanh toán của BHYT.
- Đi khám chữa bệnh đúng tuyến.
Do từ ngày 01/7/2023, tăng lương cơ sở từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng nên số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm cũng sẽ có sự thay đổi.
Cụ thể, từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 30/6/2023, người tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 8.940.000 đồng (6 tháng lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng) thì phần vượt quá 6 tháng lương cơ sở sẽ do quỹ BHYT thanh toán và người bệnh được chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh từ thời điểm này cho đến hết năm.
Lưu ý: Từ ngày 01/7/2023, khi tăng lương cơ sở lên mức 1.800.000 đồng/tháng, người tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên phải có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 10.800.000 đồng (6 tháng lương cơ sở) mới được hưởng các quyền lợi BHYT 5 năm liên tục.
Ngoài ra, từ ngày 01/7/2023, người tham gia BHYT đi khám chữa bệnh đúng quy định của Luật Bảo hiểm y tế có chi phí cho một lần dưới 270.000 đồng thì được BHYT chi trả 100%, người bệnh được khám chữa bệnh miễn phí.
(Trong khi đó, nếu áp dụng theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng thì chi phí khám chữa bệnh của người bệnh phải dưới 223.500 đồng (15% của mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng) mới được BHYT chi trả 100%).
Các trường hợp đi khám chữa bệnh BHYT đúng tuyến
Các trường hợp được xác định là đúng tuyến khám chữa bệnh BHYT gồm:
- Khám, chữa bệnh đúng nơi đăng ký ban đầu;
- Khám, chữa bệnh tại nơi được thông tuyến;
- Khám, chữa bệnh có giấy chuyển tuyến của cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu;
- Trường hợp cấp cứu;
- Khám, chữa bệnh trong thời gian đi công tác, làm việc lưu động, học tập trung khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám, chữa bệnh cùng tuyến hoặc tương đương cơ sở đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu.
Thay đổi mức đóng BHYT hộ gia đình từ ngày 01/7/2023
Mức đóng bảo hiểm y tế đối với hộ gia đình được quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP , như sau:
Người thứ nhất: 4,5% mức lương cơ sở;
Người thứ hai: 70% mức đóng của người thứ nhất (3,15% mức lương cơ sở).
Người thứ ba: 60% mức đóng của người thứ nhất (2,7% mức lương cơ sở).
Người thứ tư: 50% mức đóng của người thứ nhất (2,25% mức lương cơ sở).
Người thứ năm trở đi: 40% mức đóng của người thứ nhất (1,8% mức lương cơ sở).
Từ 01/7/2023, khi tăng lương cơ sở lên 1.800.000 đồng/tháng, mức đóng BHYT hộ gia đình, như sau:
Người thứ nhất: 81.000 đồng/tháng; 972.000 đồng/năm (trước 1/7: 67.050 đồng/tháng; 804.600 đồng/năm).
Người thứ hai: 56.700 đồng/tháng; 680.400 đồng/năm (trước 1/7: 46.935 đồng/tháng; 563.220 đồng/năm).
Người thứ ba: 48.600 đồng/tháng; 583.200 đồng/năm (trước 1/7: 40.230 đồng/tháng; 482.760 đồng/năm).
Người thứ tư: 40.500 đồng/tháng; 486.000 đồng/năm (trước 1/7: 33.525 đồng/tháng; 402.300 đồng/năm).
Người thứ năm trở đi: 32.400 đồng/tháng; 388.800 đồng/năm (trước 1/7: 26.820 đồng/tháng; 321.480 đồng/năm).