Đầu tiên, trường hợp nào được xin nghỉ không lương?
Theo Điều 115 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động sẽ được nghỉ không lương trong các trường hợp sau:
- Trường hợp cha/mẹ, anh, chị, em ruột của người lao động kết hôn; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột của người lao động mất.
Thủ tục xin nghỉ: Người lao động thông báo với người sử dụng lao động về các sự kiện trên. Bộ luật Lao động năm 2019 không quy định cụ thể về hình thức thông báo nên người lao động có thể tùy chọn chọn thông báo bằng điện thoại, emal, tin nhắn,…
Trường hợp này chỉ cần thông báo mà không cần phải hỏi ý kiến của người sử dụng lao động.
Nếu không cho người lao động nghỉ, người sử dụng lao động có thể bị xử phạt từ 02 đến 05 triệu đồng về hành vi không bảo đảm cho người lao động nghỉ việc riêng hoặc nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật (theo điểm a khoản 1 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Trường hợp có lý do khác thì phải kèm điều kiện là được người sử dụng lao động đồng ý.
Bộ luật Lao động 2019 không quy định về hình thức thỏa thuận nghỉ không lương nên lao động có thể chủ động trao đổi bằng lời, bằng văn bản hoặc hình thức khác, miễn sao được người sử dụng lao động đồng ý cho nghỉ không lương.
Nếu người sử dụng lao động không cho nghỉ thì không được nghỉ. Trường hợp tự ý nghỉ sẽ bị coi là tự ý bỏ việc và phải đối mặt với nguy cơ bị sa thải hoặc bị người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Xin nghỉ không lương trước thời gian thai sản được không?
Khoản 3 Điều 115 Bộ luật Lao động cho phép người lao động được nghỉ không lương vì bất cứ lý do gì, miễn sao được người sử dụng lao động đồng ý.
Theo đó, nếu được phía công ty đồng ý thì người lao động có thể nghỉ không lương trước thời gian thai sản.
Thời gian nghỉ không lương được thực hiện theo thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động mà không hạn chế số ngày.
Tuy nhiên, nếu nghỉ không lương trước thời gian thai sản quá sớm có thể người lao động không tích lũy đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để xét hưởng chế độ thai sản khi sinh con.
Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản của lao động nữ sinh con như sau:
- Trường hợp mang thai thông thường: Phải có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con.
- Trường hợp trong quá trình mang thai từng phải nghỉ dưỡng thai: Phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên, đồng thời có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con.
Do đó, dù nghỉ trước sinh nhiều tháng hay ít tháng, người lao động cũng cần tích lũy đủ thời gian đóng BHXH theo quy định rồi hẵng nghỉ để đảm bảo sau này khi sinh con được giải quyết hưởng chế độ thai sản.
Nghỉ việc trước thời điểm sinh con có được hưởng thai sản?
Theo khoản 4 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản nếu đảm bảo điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội bao gồm:
Trường hợp mang thai thông thường: Phải có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con.
Trường hợp trong quá trình mang thai từng phải nghỉ dưỡng thai: Phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên, đồng thời có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con.
Do đã nghỉ việc trước khi sinh con nên thời gian nghỉ thai sản của người lao động sẽ không được cộng vào quá trình đóng để tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần và lương hưu khi về già.
Sau khi sinh con xong, người lao động cần chủ động tự làm chế độ thai sản tại cơ quan bảo hiểm xã hội mà mình cư trú chứ không phải nộp hồ sơ thai sản về công ty cũ (theo Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội).