Không có Bản Mô tả công việc chi tiết
Khi Công ty có một vị trí mới, bạn được yêu cầu phải tuyển gấp mà chưa có chi tiết. Yêu cầu tuyển dụng chỉ là vài gạch đầu dòng các việc cần làm, không có các quy định về trách nhiệm, quyền hạn và mức lương cụ thể của vị trí đó, dẫn đến khi bạn phỏng vấn sẽ không thể đủ thông tin để trao đổi rõ ràng cho ứng viên.
Hoặc khi đã phỏng vấn thành công, tới bước bạn tiếp nhận ứng viên vào làm việc họ sẽ gặp khó khăn khi phối hợp và thực hiện nhiệm vụ. Hậu quả của nó chắc chắn bạn hình dung ra được, ứng viên sẽ khó để hoà nhập và gắn bó do họ không nhận được các yêu cầu về công việc, nhiệm vụ, quyền hạn và quy trình phối hợp. Và việc bạn phải tuyển lại từ đầu là điều có thể xảy ra.
Đánh giá ứng viên cảm tính
Trong chúng ta ai cũng có lúc bị cảm xúc lấn át lý trí, đây là điều rất bình thường. Tuy nhiên, khi đó bạn lại không nhận ra điều đó và vẫn bảo vệ quan điểm sai của mình, đó mới là vấn đề thực sự nghiêm trọng. Các lỗi thường gặp trong quá trình phỏng vấn do bị yếu tố cảm xúc dẫn dắt, có thể nhận diện qua một vài ví dụ như sau:
- Người có ngoại hình sáng, bắt mắt và gọi là đúng gu ngoại hình của bạn.
- Người nói hay, có giọng nói truyền cảm và thu hút.
- Người có cùng quê quán với bạn, tốt nghiệp cùng trường và biết các thầy cô mà bạn biết trước đây.
- Có bằng của các trường danh tiếng…
Những yếu tố khách quan trên làm bạn có cảm tình, lúc này suy nghĩ của bạn sẽ đi theo định hướng mặc định nào đó trong đầu và dễ dẫn đến việc bạn thiếu lý trí khi đánh giá năng lực ứng viên. Điều này dẫn đến việc ra quyết định tuyển dụng sai lầm.
Vấn đề nằm ở chổ là có thể bạn không cố tình để thêm điểm cộng hoặc ưu tiên cho họ vì có một số yếu tố trên. Mà đó là do chính cái hào quang hoặc những điều quen thuộc dẫn dắt suy nghĩ của bạn. Nên khi đã nhận diện được các điều này để loại trừ, bạn sẽ không bị nó làm ảnh hưởng đến việc ra quyết định.
Không dành thời gian cho ứng viên đặt câu hỏi
Có nhiều bạn làm tuyển dụng có thói quen nói nhiều không cần thiết, nói không có lối thoát, không có điểm nhấn, dẫn đến việc quá thời gian của buổi phỏng vấn. Gọi là phỏng vấn nhưng thường là một mình bạn thao thao bất tuyệt chứ không có yếu tố trao đổi hai chiều.
Và khi nhận ra bị lố thời gian, bạn vội vàng kết thúc buổi phỏng vấn mà không đủ thời gian hoặc kiên nhẫn để nghe cho ứng viên dặt câu hỏi thắc mắc. Ứng viên sẽ ra về mà còn nhiều những khúc mắc thì sẽ làm cho họ có cảm giác mơ hồ, thì việc họ tham gia phỏng vấn vòng 2 là điều khó xảy ra.
Không làm chủ được cảm xúc bản thân
Trong một vài tình huống phỏng vấn căng thẳng, người phỏng vấn không đồng quan điểm với ứng viên dẫn đến hai bên tranh cải việc đúng sai. Đây là điều hoàn toàn không nên và tối kị trong buổi phỏng vấn chuyên nghiệp.
Người phỏng vấn phải làm chủ được các tình huống, bạn phải làm chủ được cảm xúc của mình và tuyệt đối không tranh cải với ứng viên dù bạn có đúng 100% đi chăng nữa. Hãy để kết quả phỏng vấn quyết định điều đó bạn nhé!
Không ghi nhận lại kết quả phỏng vấn
Khi số lượng ứng viên đông, nếu bạn phỏng vấn mà không có thói quen ghi chép thì sau đó đến bước review và so sánh ứng viên với nhau. Bạn lấy râu ông này cắm cằm bà kia để đánh giá.
Và tất nhiên sẽ làm cho kết quả phỏng vấn cuối cùng bị sai hoàn toàn. Việc này có thể để lại hậu quả nghiêm trọng khi bạn đã thông báo kết quả phỏng vấn và mời ứng viên nhận việc xong bạn mới phát hiện ra mình nhầm người.
Và rất nhiều lỗi khác, mỗi người sẽ có những lỗi thường gặp khác nhau trong quá trình phỏng vấn ứng viên. Nên sau mỗi đợt tuyển dung, bạn nên có đánh giá cá nhân để nhận ra yếu điểm của bản thân bạn. Để hoàn thiện và khúc phục nó bạn nhé!